Theo ông Trần Như Tùng, Chủ tịch HĐQT Dệt may Thành Công, cho biết: "Việc sản xuất "3 tại chỗ" chi phí quá cao, trong khi bị giới hạn người lao động không quá 50% trong tổng số hơn 6.500 lao động nên công suất hoạt động của công ty không thể cao.
Khó khăn bủa vây
“Từ đó, sản lượng bị sụt giảm đã dẫn đến việc công ty lỗ trong tháng 8 vừa qua và vấn đề mệt mỏi của doanh nghiệp là dòng tiền không thu về được thì cũng không thể trả lương cho người lao động và các chi phí khác", Chủ tịch HĐQT Dệt may Thành Công chia sẻ.
Theo ông Tùng, với công suất sụt giảm, việc thực hiện các đơn hàng bị trì hoãn, giãn tiến độ. Có những trường hợp không được chấp nhận, đối tác đã hủy đơn hàng dù doanh nghiệp đã mua đầy đủ nguyên vật liệu sản xuất nhưng do thời gian giao hàng gia hạn quá lâu nên buộc họ phải hủy.
Phân tích về những khó khăn của doanh nghiệp trong ngành, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết ngành công nghệ nói chung và dệt may nói riêng đang đối mặt với năm thách thức lớn:
Đầu tiên là thiếu nguồn lao động có tay nghề. Thách thức này đến từ cách thức quản lý, đối phó dịch của các địa phương khác nhau, chưa thực sự kết nối. Điển hình là TP HCM - nơi được xem là trung tâm trong chiến lược ổn định, kiểm soát Covid-19; ổn định, phát triển kinh tế hay giữ chân người lao động, khiến họ yên tâm ở lại.
Cách thức kiểm soát dịch hồi tháng 6, tháng 7 vừa qua khá lúng túng dẫn đến hiện trạng chuyển dịch lao động, khoảng 37-40% công nhân viên quyết định rời thành phố lớn về quê. "Rất khó để họ quay lại, chỉ còn chưa đến bốn tháng nữa là tới Tết Nguyên đán, không ai quay lại các khu công nghiệp vào thời điểm này", ông Giang nói.
Thách thức thứ hai là việc tiêm chủng cho người lao động chưa triển khai đồng bộ, nhiều nhân sự chưa được tiêm mũi một. Đến tháng 10, 11 mới có thể tiêm phủ vaccine.
Thứ ba, nhiều doanh nghiệp không còn đủ khả năng thực hiện ba tại chỗ nếu dịch vẫn kéo dài, dẫn đến tỷ lệ làm việc rất thấp, chỉ đạt 20-25%. Các giải pháp "tuyến đường", "hai điểm đến" cũng gặp nhiều rào cản. Người lao động ở những nơi khác nhau, cách thực hiện rất khó với doanh nghiệp.
Thứ tư là thực trạng đơn hàng ngành dệt may sụt giảm nghiêm trọng. Khoảng 30-40% đơn rút khỏi thị trường Việt Nam. Các đơn chuyển dịch ra phía Bắc cũng chỉ đạt tỷ lệ thành công 10%.
Thậm chí, Chủ tịch VITAS còn nhận định, kịch bản xấu nhất là nếu tháng 10, Nhà nước vẫn chưa đưa ra một cách rõ ràng về các chính sách và dịch bệnh vẫn kéo dài thì xuất khẩu sẽ chỉ đạt 33-34 tỷ USD. Và để khôi phục lượng đơn hàng như trước là hành trình dài, từ 6 tháng đến một năm.
Chờ mở cửa
Tuy nhiên, một tín hiệu đáng mừng là các doanh nghiệp lạc quan, nếu TP HCM và các tỉnh phía Nam thực hiện đúng dự kiến mở cửa trở lại vào ngày 1/10 thì quý IV năm nay sẽ bù đắp cho quý III sụt giảm vừa qua, bởi đây là quý cao điểm của dệt may hàng năm và vấn đề đơn hàng thường không phải lo lắng.
Dù hiện một số đối tác rục rịch chuyển đơn hàng sang các nước nhưng khách hàng vẫn sẽ nhìn vào kế hoạch mở cửa nền kinh tế.
Do đó, nếu TP HCM và các tỉnh, thành mở cửa trở lại, khả năng khách hàng sẽ tiếp tục ở lại với doanh nghiệp Việt Nam, còn nếu việc giãn cách còn kéo dài lâu hơn thì không biết tình hình sẽ thế nào.
"Bởi các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như Mỹ, châu Âu sắp bước vào mùa cao điểm bán hàng là dịp Noel và Tết Dương lịch nên bây giờ mình làm còn kịp chứ chậm hơn nữa sẽ không kịp làm hàng cho họ bán, buộc họ sẽ chuyển đơn hàng sang các quốc gia khác", ông Trần Như Tùng cho hay.
Về vấn đề này, Chủ tịch VITAS cho rằng, để hỗ trợ doanh nghiệp tái sản xuất, hồi phục, trước hết cơ chế chính sách mở cửa phải xuyên suốt, lấy TP.HCM làm trọng tâm để đưa ra chính sách giống nhau.
Thứ hai là cần tiêm 2 mũi vắc xin bao phủ cho toàn bộ người lao động. Có như vậy, việc mở cửa sản xuất sẽ hạn chế rủi ro và tái lây nhiễm cho người lao động.
Cuối cùng là đưa ra cơ chế tuyển dụng, đào tạo người lao động mới bởi lực lượng lao động có tay nghề của các doanh nghiệp đã mất khoảng 37%.